trong làng ngoài thôn
Năm Long Khánh thứ 16, hạn hán hoành hành khắp Yên Châu, ba mẫu ruộng cằn cỗi nhà ta chỉ thu hoạch được vỏn vẹn một thạch lương thực.
Vì năm miệng ăn trong nhà, bà nội quyết định liều mình một phen, đến phủ Hưng quốc công cách đó mấy chục dặm để “xin lộc”.
Nhà ta đời đời làm ruộng, vốn chẳng dính dáng gì đến hàng vương tôn quý tộc nơi kinh thành.
Nhưng người ta một khi phải đối mặt với nguy cơ c h ế t đói, thì tự khắc sẽ trở nên lanh lợi.
Bà nội cũng vậy, giữa đêm khuya thanh vắng, bà lục tung tất cả những người mình từng quen biết trong đầu, rồi đột nhiên hai mắt sáng rực, vỗ đùi cái bốp, nhớ ra bà dì họ ngoại nhà mẹ đẻ có một người thân thích làm di nương trong phủ Hưng quốc công.
Mà di nương trong phủ quốc công, mặc dù không phải là chủ mẫu danh chính ngôn thuận, nhưng nếu có thể ban phát chút lộc lá, cũng đủ cho nhà nông chúng ta ăn cả nửa năm rồi.
Đối với việc “xin lộc” này, cha mẹ ta không mấy hào hứng.
Đặc biệt là cha ta, ông ấy vốn là người thật thà chất phác, ít nói, cả ngày chỉ biết cúi mặt xuống đất, làm lụng vất vả, cả đời cam chịu.
Nhưng chính người đàn ông như vậy, lại cho rằng thà chịu nhục nhã còn hơn là chịu đói.
Đói thì cắn răng chịu đựng là được, còn nhục nhã thì ông không thể ngẩng mặt lên làm người.
“Không phải bảo con đi, con ủ rũ cái gì! Con chỉ nghĩ đến bản thân mình không ngẩng mặt lên được, chẳng lẽ không màng đến cái thai trong bụng vợ con sao?! Cả đời con chỉ được đến thế này thôi, đồ vô dụng, c h ế t đói rồi chôn xuống đất cũng chỉ là cục đất thối! Nhưng Xuân Muội và Thu Muội là con gái ruột của con, con là cha mà nỡ lòng nào trơ mắt nhìn chúng nó đi làm con ở, làm dâu nhà người ta hay sao?!”
Bà nội xưa nay vẫn luôn khinh thường dáng vẻ cứng đầu của cha ta, nên vừa mở miệng đã không chút khách khí, đ.â.m thẳng vào nỗi đau của ông.
Mỗi câu nói của bà nội đều như nhát d.a.o cứa vào tim cha ta, ông nhìn cái bụng nhô lên của mẹ ta, cuối cùng chỉ biết thở dài một hơi, quay đầu cầm lấy cái cuốc, tiếp tục ra đồng cặm cụi làm việc.
Năm đó, ta mười tuổi, Thu Muội bốn tuổi, còn đứa bé trong bụng mẹ ta đã được gần bảy tháng.
Bà nội nói là làm, đêm đó liền thu dọn một bọc lớn, bên trong chứa đầy những loại trái cây tươi ngon nhưng không đáng giá là mấy.
Ban đầu bà định tự mình đi, nhưng lúc sắp đi lại đổi ý, lôi ta từ trong chăn dậy.
“Xuân Muội đi cùng bà nhé.” Bà nói.
Từ thôn Đào Thủy đến kinh thành, đi bộ phải mất gần bốn canh giờ, ta và bà nội dắt díu nhau dưới ánh trăng mà lên đường.
Bởi vì bà nội nói buổi trưa đi thăm người khác là bất lịch sự, nhất là những gia đình quyền quý như phủ quốc công, chắc chắn càng coi trọng quy củ hơn.
Vốn dĩ đã là liều mình đi “xin lộc”, tuyệt đối không được thất lễ, khiến người ta chán ghét.
Rạng sáng ở phương Bắc, sương sớm dày đặc, ánh trăng như tuyết, ta nắm chặt vạt áo bà nội, bước từng bước một trong đám cỏ dại gai góc trên con đường núi nhỏ, đến ướt cả ống quần cũng chẳng buồn quan tâm.
“Xuân Muội, có mệt không?”
Không biết đã đi được bao lâu, bà nội quay đầu lại hỏi ta, hơi thở phả ra làn khói trắng.
“Không mệt ạ, bà nội, con biết tại sao bà lại bảo con đi cùng bà.”
Bà nội cười: “Vì sao?”
“Con chỉ là một đứa con gái nhỏ, đi một đoạn đường xa như vậy để làm khách, người ta nhất định sẽ không nỡ để chúng ta tay không trở về ạ!” “Ôi chao, cha mẹ con, hai kẻ ngốc nghếch ấy, sao lại sinh ra được đứa con gái lanh lợi như con thế này!”
Ta ngẩng đầu lên nịnh nọt: “Con giống bà nội mà!”
“Hừ, đúng là giống ta, còn cha con, cái dáng vẻ nhu nhược ấy, haiz, giá mà cô con ở bên cạnh ta thì tốt rồi.”
Bà nội cả đời sinh được ba người con, đại bá mất sớm khi chưa đầy mười tuổi, cô cô gả đến tận Tùy Châu xa xôi.
Cứ mỗi lần nhắc đến cha ta, bà nội lại không nhịn được mà ca ngợi cô cô, bởi vì nghe nói tính cách cô cô là hợp với bà nhất.
Chỉ tiếc rằng, cô con gái gả xa ấy đã mười năm nay chưa từng về nhà mẹ đẻ.
Mặt trời lên cao, cuối cùng bà nội cũng đưa ta đến trước cổng phủ Hưng quốc công ở hẻm Cát Tường, kinh thành.
Sau khi hỏi rõ lai lịch, người gác cổng cho một bà tử đầu cài trâm hoa dẫn chúng ta vào phủ từ cửa hông, ta còn nhỏ, ngẩng đầu lên nhìn, chỉ thấy từng cánh cửa son đỏ rực, từng tầng từng lớp nhà cửa dát vàng rực rỡ và từng bóng áo hồng áo xanh đi qua đi lại.
Bà nội gặp ai cũng cười, mở miệng ra là những lời chúc tốt lành, cái lưng vốn thẳng tắp, giờ đây lại còng xuống như cành cây sai trĩu quả, từ lúc vào phủ đến giờ vẫn chưa thẳng lên được lần nào.
Trên đường đi, bà đã dặn dò ta đủ điều: “Phải luôn mỉm cười, người ta hỏi gì thì trả lời nấy, đừng nhìn lung tung, đừng nói lung tung, đừng tùy tiện ăn đồ của người ta.”
Vì vậy, ta luôn giữ nụ cười thật tươi, đến nỗi mặt mũi cứng đờ.
Người mà chúng ta muốn bái kiến là một vị thiếp thất mà Hưng quốc công nạp vào phủ từ nhiều năm trước, bà ấy họ Chu, ta nghe người trong phủ gọi là “Chu di nương”.
Sau khi ta và bà nội hành lễ với Chu di nương, bà ấy liền tươi cười nắm lấy tay ta, không ngừng khen ngợi.
“Nhìn xem, đứa bé này thật là xinh đẹp, chẳng giống con nhà nông chút nào.” Bà nội ngồi khép nép trên chiếc ghế đẩu nhỏ, vội vàng đáp lời: “Được phu nhân ngợi khen là phúc phận của nó. Xuân Muội, còn không mau lại đây dập đầu bái kiến di nương?!”
“Ôi chao, làm gì thế này, mau dìu con bé dậy, dẫn nó ra ngoài vườn chơi đi, lát nữa rồi dọn cơm trưa.”
Hai đầu gối ta còn chưa kịp chạm đất, đã bị một bà tử lớn tuổi dìu dậy, ân cần dỗ dành rồi dẫn ra ngoài.
Bà nội không yên tâm, liên tục nháy mắt ra hiệu cho ta đừng gây chuyện, Chu di nương thấy vậy, lại mỉm cười đầy nho nhã, dáng vẻ đoan trang quý phái ấy, giống hệt như những vị nương nương trong hoàng cung mà ta vẫn thường hình dung.
Phủ Hưng quốc công thật rộng lớn, rộng hơn cả thôn Đào Thủy của chúng ta, ta đi theo sau bà tử, chẳng mấy chốc đã hoa mắt chóng mặt.
Khi quay trở lại tiểu viện của Chu di nương, bà nội hai mắt sáng rực, mặt mày hớn hở, vừa nhìn đã biết là bà đã “xin lộc” thành công.
“Ta phải đi dùng bữa cùng phu nhân, hai người cứ ở lại đây ăn tạm chút gì lót dạ, lát nữa ta quay lại.”
Có lẽ vì nói chuyện nhiều nên hơi mệt, Chu di nương đứng dậy ho khan mấy tiếng, bà nội ta vội vàng luống cuống tay chân, không biết nên để đâu cho phải phép, còn tưởng là do mình đã làm gì sai.
“Khụ khụ, bệnh cũ của ta mấy chục năm nay rồi, cứ vào thu là lại lên cơn ho.”
Chu di nương hiền hòa giải thích, trong giọng nói thậm chí còn mang theo chút áy náy.
Bữa cơm trưa ở phủ quốc công hôm đó, không ngoa khi nói rằng, ta có thể nhớ cả đời, thậm chí sau này khi đã có con cháu, ta vẫn có thể hào hứng kể cho chúng nghe suốt ba ngày ba đêm.
Bởi vì từ khi sinh ra đến giờ, ta chưa từng được ăn bữa cơm nào ngon đến thế.
Bình Luận